Từ A-Z Để Viết Một Cuốn Sách

0
2258

Chia sẻ bởi chị Susan Trần tác giả cuốn Đời vật vã đừng vạ vật.

Quy trình tự xuất bản sách mới nhất 2020

Như đã hứa với một vài bạn bè và chị em, mình sẽ viết lại toàn bộ quy trình xuất bản ra cuốn sách Đời vật vã, đừng vạ vật để mọi người tham khảo quy trình viết một cuốn sách tự bán (không phải loại gửi cho nhà xuất bản rồi hưởng nhuận bút nhé). Để viết cuốn Sách Đời vật vã đừng vạ vật, mình trải qua 4 bước chính.

  1. Xác định và chuẩn bị nội dung

2. Viết và hoàn thiện sách

3. Crowdfunding/Bán trước

4. Xin giấy phép xuất bản và inCó những bước nối nhau, cũng có những bước chồng lên nhau nên mình sẽ đi sâu vào chi tiết trong từng bước để mọi người hiểu rõ hơn.

BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH VÀ CHUẨN BỊ NỘI DUNG

Thành thực mà nói thì hồi đầu mình không hề có định xuất bản sách Đời vật vã, đừng vạ vật. Xuất bản sách là một trong những việc cần làm trước tuổi 30 của mình nên mình vẫn luôn viết và ghi chép lại những kinh nghiệm cuộc sống và công việc để sau này viết sách thì có thể dùng tới. Cho tới tận cuối 2019, khi đã viết được hơn 30.000 từ (~100 trang) mình mới nhen nhúm ý định xuất bản sách. Từ lúc đó tới khi hoàn thành cuốn sách khá nhanh.Khi bắt đầu tập trung viết sách mình mới bắt đầu học, tìm hiểu các kỹ thuật viết và các quy trình viết. Lúc đó mới vỡ ra rằng những nội dung mà mình đã viết ra trước đó chỉ có thể coi là nguồn tài liệu tham khảo, không thể vác y nguyên vào sách. Để chuẩn bị viết một cuốn sách nhanh và hiệu quả nhất thì nên theo quy trình sau:

1.1. Xác định chủ đề chính

1.2. Xác định đối tượng độc giả (độ tuổi, giới tính, địa lý,…)

1.3. Đưa ra cốt/dàn chính (là các ý chính, được gọi là xương sống của sách)1.4.Xác định các tuyến nhân vật chính (nếu là viết truyện, tiểu thuyết,…)

1.5. Xác định các ý nhỏ/dàn chi tiết

1.6. Xác định các tuyến nhân vật phụ

1.7. Tìm kiếm các thông tin và ví dụ cho từng ý phụ.

Ở bước 1 này bạn cũng có thể đặt ra một vài mục tiêu, ví dụ như: thời hạn ra sách, thời hạn hoàn thành nội dung, số trang sách sẽ viết,….

BƯỚC 2: VIẾT VÀ HOÀN THIỆN SÁCH

Ở bước này chúng ta sẽ tập trung vào 2 phần chính:

Phần 1: Viết và chỉnh sửa nội dung sách

Phần 2: Lựa chọn và thiết kế hình ảnh

PHẦN 1: VIẾT VÀ CHỈNH SỬA NỘI DUNG SÁCH

2.1.1. Bắt tay vào viết: lúc này dựa trên các thông tin đã có, cố gắng viết liên tục, không đọc lại để sửa lại những chi tiết chưa ổn (nếu có ý tưởng nảy ra, hãy ghi vào đâu đó)

2.1.2. Chỉnh sửa lần 1: sau khi đã có một cuốn sách sơ bộ với đầy lỗi, đầy vấn đề thì tới bước này chúng ta sẽ đọc lại từ đầu tới cuối. Đọc tới đâu sửa tới đó, cố gắng chỉ sửa 1-2 lần cho một ý để đảm bảo tiến độ và bản thân không bị rơi vào cái bẫy của sự hoàn hảo

2.1.3. Chỉnh sửa lần 2: Đọc lại một lần nữa và chỉnh sửa các chi tiết nhỏ chưa ổn

2.1.4. Nhờ người đọc bản thảo: bạn nên nhờ người thân cận có thể tin tưởng, gần giống nhất với đối tượng độc giả của bạn và có kỹ năng đọc rà soát. Họ sẽ giúp bạn chỉ ra những ý chưa ổn trên cương vị độc giả mà nhiều khi bạn bị điểm mù không nhìn thấy được

2.1.5. Hoàn thiện nội dung: vì sẽ có người hợp kiểu này người kia hợp kiểu kia nên bạn sẽ phải lựa chọn những góp ý để chỉnh sửa sao cho chắt lọc được tinh tuý chứ không là rất dễ đánh mất “chất” của mình nhé.

PHẦN 2: LỰA CHỌN VÀ THIẾT KẾ HÌNH ẢNH

2.2.1. Xác định những phần cần thêm tranh ảnh: tuỳ từng loại sách, ví dụ sách Đời vật vã, đừng vạ vật của mình thuộc dòng self-help chủ yếu đưa thông tin cho người đọc bằng ngôn từ thì tranh ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ và làm đẹp cho sách. Còn với những loại sách như sách ảnh chẳng hạn thì tranh ảnh chính là linh hồn của sách, cần chọn lựa và thiết kế thật cẩn thận.

2.2.2. Thuê người vẽ minh hoạ và thiết kế bìa: nếu bạn có khả năng hội hoạ và có thời gian thì bạn có thể tự vẽ hình minh hoạ như mình. Vì chi phí thuê vẽ minh hoạ và thiết kế cũng khá mắc (liên quan tới chi phí xuất bản ra cuốn sách mình sẽ đề cập ở phần sau), bạn nên cân nhắc số lượng tranh thuê vẽ. Nếu dùng ảnh, hãy chắc chắn về bản quyền của tấm ảnh. Có nhiều trang cho hình tranh ảnh free, chỉ cần để nguồn là được, mình thì hay dùng của freepik.Về bìa sách thì mình thành thực khuyên bạn nên thuê để có một cái bìa xịn đẹp, thể hiện được khí chất của cuốn sách. Giá thiết kế bìa thì cũng vô vàn lắm, từ 150k- 3 triệu. Mình may mắn vì làm với bạn Đinh Phương trong Sài Gòn, chưa gặp nhau chưa làm với nhau lần nào nhưng với mức giá tầm 400-500k chỉ cần chỉnh vài chi tiết nhỏ thôi, vậy là rất ưng rồi.

2.2.3. Dàn trang: nếu bạn thuê dàn trang chủ yếu là chữ thì khoảng 9.000-20.000đ/trang, nếu yêu cầu dàn sách ảnh thì giá cao hơn, tuỳ yêu cầu. Vì muốn giữ một mức chi phí cho sách nên mình quyết định bỏ ra 3 ngày tự mày mò học phần mềm Adobe Indesign. Kết quả là 2 ngày mình đã dàn hòm hòm cuốn sách mà chẳng cần thuê, lại học được thêm một kỹ năng mới. Phần mềm này rất tiện và thông minh, nếu chỉ dùng để dàn sách chữ không cần quá cầu kỳ về mặt nghệ thuật thì bạn cũng có thể tự mày mò giống mình.Vài lưu ý khi dàn trang: đừng để rớt chữ mồ côi, hay câu mồ côi tức là dàn rớt một mình chữ đó một dòng và một mình câu đó bị đẩy sang trang mới. Cỡ chữ bình thường khoảng 12-14, font chữ nên là font dễ đọc và có bản quyền (mấy font tiếng việt của Google chẳng hạn), nên dùng font thông dụng là tốt nhất. Trước khi dàn nhớ check chính tả, mình dùng google docs thấy khá chính xác.Vậy là hoàn thiện bản mềm của cuốn sách rồi đó. Tiếp tục sang bước tiếp nha!

BƯỚC 3: CROWDFUNDING/BÁN TRƯỚC:

Nếu bạn lần đầu làm sách thì nên crowdfunding và bán trước để ước lượng được số lượng sách sẽ in. Cũng cần hết sức cẩn thận vì nếu tên sách của bạn hay ho quá thì có thể bị hớt tay trên đó. Crowdfunding hay nôm na gọi là bán trước trả tiền trước, là kiểu bạn có cái bìa + nội dung chính + một vài đoạn trích dẫn bạn đăng lên các kênh để bán và nhận về một khoản tiền tương ứng với sách. Sau khi bạn xuất bản xong, bạn gửi sách cho những người đã mua. Với cuốn Đời vật vã đừng vạ vật, mình crowdfunding từ trước khi hoàn thành sách nữa (bước 2 và 3 chồng nhau), mình chỉ crowdfunding được hơn 5 triệu nhưng bù lại, số lượng bán trước (hẹn trước, chưa trả tiền) thì được kha khá. Từ số lượng crowdfunding bạn sẽ xác định được số lượng bản in để đăng ký với nhà xuất bản và cục quản lý thông tin.Để crowdfunding được thì ở đầu bước này bạn cần xác định được giá sẽ bán cho cuốn sách đó. Giá = chi phí sản xuất nội dung hình ảnh + chi phí xin giấy phép + chi phí in + chi phí bán hàng + chi phí logistic + nhuận bút + chi phí khác (ví dụ mỗi cuốn Đời vật vã, đừng vạ vật được bán ra sẽ có 5.000đ được ủng hộ vào quỹ nuôi em vùng cao) .Trong đó, chi phí in, logistic, bán hàng là chi phí cao nhất. Và trong quá trình làm sách sẽ phát sinh rất nhiều chi phí mà bạn không lường trước được, ví dụ mình thêm trang màu là tiền in sẽ tăng lên nhiều, đổi định lượng giấy là giá khác. Vì thế hãy giữ một mức chi phí thấp nhất cho mỗi phần. Nếu không thì sau khi bán hết sách bạn còn phải bù lỗ vào kha khá đó.

BƯỚC 4: XIN GIẤY PHÉP XUẤT BẢN VÀ IN

Quy trình xin giấy phép như sau:

4.1.NỘP BẢN THẢO

Vì mình may mắn là được chị Trang, giám đốc công ty Elight giới thiệu với một anh bên nhà xuất bản nên mình bớt được một vài thủ tục. Theo bạn Như Tô (tác giả Mật ngữ Thuỷ Hử) ngày trước hướng dẫn mình thì bình thường bạn sẽ cần nộp bản thảo lên nhà xuất bản (gửi bưu điện hoặc mang thẳng lên nxb) kèm theo các thông tin sau:Tên sách, khổ sách, tác giả, số lượng in, số trang, thể loại sáchSau đó nhà xuất bản sẽ đăng ký tên sách và thông tin cuốn sách lên cục, mất khoảng 7 ngày làm việc. Sau đó nhà xuất bản sẽ chỉnh sửa bản thảo, khoảng 5-7 ngày làm việc sẽ có thông tin (bạn nên tính thêm thời gian phòng trường hợp ngoài ý muốn, ví dụ đợt dịch Covid19, mình bị trễ khoảng 1 tháng do các bên đình trệ hoạt động). Bản thảo Đời vật vã, đừng vạ vật thì không cần sửa gì nên mình không biết quy trình nếu phải chỉnh sửa (nên tránh vấn đề chính trị, nhạy cảm). Chốt lại với bên nhà xuất bản các thông tin lần cuối (tên sách, khổ sách, số trang, số lượng bản in, tác giả, thông tin nhà in,…) , nộp tiền phí giấy phép xuất bản (khoảng 2 triệu – 5 triệu, cao nhất là 5%/giá*số lượng in, tuỳ nhà xuất bản). Sau đó, nhận các file liên quan từ nhà xuất bản, rồi gửi lại cho nhà xuất bản các file bìa sách đã có logo nhà xuất bản, file xinhe đã chỉnh sửa thông tin. Được duyệt là có thể đưa vào in.

4.2. LIÊN HỆ NHÀ IN

Khi bạn đưa thông tin sang nhà xuất bản thì đợt đầu có thể nợ nhưng sau đó chốt lại thông tin vẫn phải có thông tin nhà in (tên đầy đủ của công ty in, địa chỉ, số điện thoại). Bạn nên tìm một số công ty in ngay khi viết xong sách. Có một số nhà in họ sẽ yêu cầu gửi file, bạn nên xuất file chất lượng thấp vì nếu bạn không làm với họ thì bản đó cũng không in được hay đưa lên bất kỳ đâu trên mạng, kinh nghiệm của mình là nên viết chi tiết về cuốn sách, đừng gửi file vội trước khi họ yêu cầu. Nên gửi theo kiểu link drive, nếu không hợp tác được thì đóng link lại. Mình may mắn là nhà in cũng được giới thiệu nên việc tìm kiếm nhà in cũng đơn giản hơn.Thông tin gửi nhà in để báo giá bao gồm:-Khổ sách (khổ in thực, bạn sẽ thấy sách đăng ký 13×19 thì khổ in thực sẽ là 14,5×20,5, bạn lấy vài cuốn sách ra xem sẽ thấy, vì khi in thực cần dư ra một chút để cắt nữa)-Số trang tính cả bìa (màu, đen trắng)-Giấy (thông thường in sách chữ sẽ là giấy định lượng 70-80, trang in màu thì in loại giấy nào)-Bìa sách (có tai gập không, có cán mờ không, dùng giấy loại nào bìa mềm thường là C200 hoặc C300, bìa cứng thì mắc quá nên ít dùng)-Số lượng in (in càng nhiều giá càng rẻ, nhưng trung bình thì chỉ khoảng 500-2000 cuốn thôi nhé)Giá in của các nhà in chênh nhau nhiều lắm nên bạn để ý nhé.

4.3. IN SÁCH

Khi nhận được giấy phép xuất bản có chụp ảnh up Facebook thì chụp luôn vì bạn sẽ không được giữ mà phải gửi nó sang nhà in để họ giữ, nhỡ sau này có thanh kiểm tra để chứng minh không phải họ in sách lậu đó.Bạn lập một hợp đồng ký với nhà in, mỗi bên giữ một bản. Cọc 50% giá trị hợp đồng. Gửi link folder các file liên quan của cuốn sách cho nhà in. Sau đó thì chờ sách xong thanh toán 50% còn lại và chở sách về thôi.Cám ơn bạn đã đọc tới tận đây. Hi vọng bài viết này giúp ích được cho bạn. À mình nghĩ là mình cần nói với bạn một điều: Tự xuất bản sách, khả năng lãi thì ít mà lỗ thì khá cao nên nếu bạn viết sách chuyên môn giá 200-400k/cuốn thì cũng khả thi, còn nếu viết sách kỹ năng giống mình thì nghèo lắm nha.

#ChaiyoThuong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây