Có Vấn Đề Với Ý Tưởng Phải “Nàm” Sao?

0
1730

Mẹo đối phó với “writing block” mà bất kỳ freelancer viết lách nào cũng đôi lần gặp phải


Dù luôn có nguồn năng lượng và sức sáng tạo dồi dào, những cây viết vẫn không thể tránh khỏi khoảnh khắc “tắc tị” kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày, thậm chí cả tuần.

Tin mừng là không phải bạn, mà ngay cả những nhà văn nổi tiếng cũng gặp phải tình trạng này đôi lần. Dưới đây là những vấn đề liên quan đến “writing block” phổ biến nhất cũng như gợi ý giúp bạn vượt qua cơn “khủng hoảng nho nhỏ”

1 – Bạn có quá ít ý tưởng

Bạn không biết mình sẽ viết gì tiếp theo, chủ đề gì, nội dung gì, hay chương sách tiếp theo… Bạn lạc lối trong những câu hỏi “mình nên làm gì tiếp theo”, và không nghĩ mình sẽ có đủ ý tưởng mới mẻ hay ho. 

Việc không thể đưa ra quyết định sẽ chỉ càng khiến bạn nghi ngờ bản thân và rốt cục sẽ không làm gì cả. Vì vậy hãy bắt đầu bằng việc liệt kê tất cả những ý tưởng bạn có, rồi nghĩ về 10 ý tưởng tệ hơn, cứ làm như vậy và bạn sẽ thấy mình đã có trong tay ý tưởng khả dĩ nhất. Khi có ý tưởng này rồi, hãy bắt tay vào làm việc, bởi nếu nó không hợp lí, bạn vẫn có thời gian để thay thế nó bằng ý tưởng khác.

2 – Bạn có quá nhiều ý tưởng

Và không biết bắt đầu từ đâu, vì thế bạn cũng sẽ chẳng làm gì cả. Bạn không biết cách chọn ra ý tưởng tốt nhất và để những ý tưởng còn lại cho lần sau. Nỗi sợ lựa chọn sai cũng chỉ đưa bạn đến con đường bế tắc hơn. 

Bí quyết là hãy thu hẹp phạm vi tập trung, viết ra mọi ý tưởng rồi tự hỏi chính mình ý tưởng nào có thể chờ đợi, và ý tưởng nào có vẻ khẩn cấp hơn, phù hợp với thời đại hơn, hay thể hiện phong cách của bạn tốt nhất. Nếu phải chọn 2 ý tưởng để làm cùng nhau, bạn sẽ làm chúng như thế nào, việc này có khả thi không?

3 – Bạn có ý tưởng nhưng không biết triển khai 

Bạn muốn bắt đầu viết lách cho một tờ báo, tạp chí, trang web, hay thậm chí một cuốn sách nhưng không biết bắt đầu từ đâu, hay nghĩ mình không có chuyên môn thì chắc không nên mạo hiểm.

Đầu tiên, hãy tìm hiểu tờ báo hay tạo chí bạn muốn viết để hiểu văn phong và chủ đề họ hướng đến, xem bạn có phù hợp không. Bạn cũng có thể luyện tập viết hàng ngày bất cứ chủ đề gì và đừng ngần ngại chia sẻ với bạn bè để nhận được phản hồi, bởi lúc đó bạn sẽ biết mình có thể có độc giả hay không. 

4 – Bạn theo chủ nghĩa hoàn hảo và không hài lòng với những gì mình viết

Bạn không thể tiếp tục viết vì mắc kẹt ở bước hoàn thiện đi hoàn thiện lại một bài viết hay tác phẩm. Vấn đề ở đây là chuẩn mực hoàn hảo của bạn sẽ không bao giờ giống với chuẩn mực hoàn hảo của người khác, vì vậy dù có chỉnh sửa nhiều lần, bạn cũng sẽ không thể chắc chắn người khác sẽ đánh giá nó theo cách bạn mong muốn.

Có rất nhiều nhà văn gặp phải vấn đề này, nhất là những nhà văn có tên tuổi. Bạn phải chấp nhận sự thật rằng có khả năng tác phẩm của mình sẽ không được đón nhận như tác phẩm trước, nhưng nếu không muốn đứa con tinh thần cứ bị bỏ xó hay trì hoãn, hãy hài lòng sau vài lần sửa và tiếp tục với dự án khác.

5 – Bạn bị lặp lại chính mình

Cùng một lối văn phong, cùng một đề tài, bạn thấy mình không thể bứt phá hay làm mới, thậm chí đó có thể là phản hồi từ biên tập. Để thay đổi điều này, bạn có thể áp dụng một trong những cách sau đây:

(1) Ngừng bắt bản thân viết một thời gian ngắn, bởi khi không viết, bạn sẽ tập trung vào thế giới xung quanh nơi luôn tràn ngập ý tưởng và cảm hứng. Khi viết trở lại, bạn sẽ thấy sự thay đổi.

(2) Tìm cảm hứng từ sách báo, phim ảnh, đi du lịch hay triển lãm nghệ thuật. 

(3) Nâng cao chuyên môn bằng việc tìm hiểu thêm về phong cách viết, các thể loại, đề tài, cách áp dụng.

Hãy nhớ: chỉ nghỉ ngơi, đừng từ bỏ. Nhiều người rơi vào trạng thái thụ động hay lười sau một thời gian ngừng viết lách. Điều này có thể khiến họ gặp khó khăn khi viết trở lại hay từ bỏ hẳn. Kết quả này sẽ hoàn toàn trái ngược với mục đích ban đầu của bạn.

#ChaiyoThuong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây