4 Hoạt Động Để Khám Phá: TÔI LÀ AI?

0
2563

TÔI LÀ AI? Chỉ một câu hỏi 3 chữ ngắn gọn thôi nhưng mình tin nó chẳng đơn giản chút nào, mình đã phải ngồi rất rất lâu với bản thân để thật sự đi tìm câu trả lời đó.

Cho đến hôm nay, khi post những dòng này, mình nghĩ mình đã hiểu bản thân mình thêm một chút mặt dù mình tin nó vẫn là một quá trình dài. Và mình mong muốn được chia sẻ những trải nghiệm cá nhân những gì mình đã thực hiện để khám phá bản thân mình ^^.

….
Hoạt động 1: Khám phá chính mình qua những điều đối lâp

Một trong những bài tập mình làm dựa trên bài chia sẻ “Nghệ thuật khám phá chính mình” của thầy Phan Văn Trường: https://www.youtube.com/watch?v=scwAtbXq6BQ


Kim chỉ nam để trả lời được câu hỏi  trong bài tâp này chính là phải “Thành thật” và “Khắt khe” và khách quan nhất khi trả lời. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đủ lòng trắc ẩn (self compassion) để chấp nhận cả những điểm tốt và chưa tốt khi mình “soi xét” và phân tích bản thân.

Thầy đưa ra những tính cách/ con người đối lập nhau và mình chỉ cần thử đánh giá xem mình sẽ có xu hướng nào. Thử xem xem mình là:

– Người có xu hướng hành động (Doer) hay người hay suy nghĩ/ suy diễn thôi (Thinker)?

– Người chủ động hay thụ động?

– Người năng động hay lười?

– Người tìm kiếm giải quyết vấn đề (Problem Solver) hay là người chờ đợi, ỷ lại?

– Người tìm hướng thay đổi hay bảo thủ?

Đối với những câu hỏi trên, mình có thể mở rộng ra bằng cách tìm kiếm những tính cách đối lập và tự đánh giá bản thân.

……

Hoạt động 2: My Identity and Common Humanity

Bài tập thứ hai mình có làm một hoạt động để nhìn nhận về bản sắc của bản thân (Identity) và sự liên kết với thế giới xung quanh do Life University nghiên cứu.

Hoạt động này như sau: 

B1: Hãy lấy 1 tờ giấy, và trong 1 phút hãy thử nghiệm viết ra tất cả các keyword mà bạn nghĩ về bản thân

B2: Sau 1 phút, thử làm một lần nữa ở trang mới, viết lại những keyword về bản thân nhưng không được trùng với những gì đã viết ở đầu tiên.

Sau khi mọi người viết ra, thì có thể thử so sánh xem có gì khác nhau giữa lần 1 và lần 2. Mình có bao nhiêu “gương mặt” và người khác biết mình ở gương mặt nào?  Có những điều gì mình đang “dán nhãn” cho bản thân mình hay người khác hay không?

……….

Hoạt động 3: 7 câu hỏi quan trọng (của Dr. Strecher, chuyên nghiên cứu về ý nghĩa cuộc sống).

  • Đâu là những điều quan trọng nhất với bạn?
  • Ai sẽ dựa vào bạn?
  • Ai là người truyền cảm hứng cho bạn?
  • Bạn sẽ quan tâm đến những vấn đề gì?
  • Bạn biết ơn vì điều gì?
  • Điều gì khiến bạn rời khỏi giường buổi sáng?
  • Bạn muốn được nhớ đến như thế nào?

Có những câu hỏi trả lời dễ, nhưng cũng sẽ có những câu hỏi thật khó để tìm ra đáp án. Nhưng mà nhờ những câu hỏi này chúng ta sẽ hiểu hơn về những gì thật sự gía trị với bản thân.

……..

Hoạt động 4: “Trò chuyện với thần chết”

Thông thường, khi được hỏi “Bạn là ai” chúng ta hay thường trả lời với chức vụ hoặc vai trò mà mình đang nắm giữ. Chẳng hạn “Tôi là giám đốc công ty ABC” “Tôi là một giáo viên” Tôi là một người vợ/ chồng”, etc. Cá nhân mình nghĩ, những điều này chỉ là một phần của bạn thôi chứ không là bạn vì bạn sẽ phụ thuộc vào ngoại cảnh để trả lời câu hỏi này. Nếu một ngày bạn không còn làm công việc đó nữa thì bạn sẽ là ai? Nếu một ngày người chồng/vợ/ con/ bố mẹ bạn không còn bên cạnh bạn nữa bạn sẽ là ai?.

Trải nghiệm “độc thoại nội tâm” cho các câu hỏi phía trên mình từng có khi quyết định từ bỏ công việc full time trước kia của mình, và mình thử nghiệm cả với công ty khởi nghiệp hiện tại của bản thân. Nếu không còn giữ chức vụ đó thì mình giới thiệu mình là ai, nếu công ty khởi nghiệp đó của mình chẳng may không còn như cũ thì mình là ai? Khi chúng ta thử tách mình ra khỏi vai trò, chức vụ và những thứ ngoại thân, mình tin câu trả lời sẽ rõ ràng hơn.

Hơn hết, để có một câu trả lời mang tính sâu sắc hơn thì mình nghĩ chúng ta có thể tưởng tượng và kết nối bản thân với “Thần chết”. Ở thời điểm Covid này thì sự sống và cái chết mình tin nó thật sự mỏng manh và con người cần nhìn nhận nhiều hơn về điều đó. Khi mình đối diện với Thần chết và Thần hỏi mình câu hỏi mình là ai trong kiếp sống vừa qua chúng ta sẽ trả lời thế nào nhỉ?.

Mình đã đủ trách nhiệm với bản thân mình chưa, mình đã sử dụng thời gian thế nào, mình có đối xử tốt với bản thân và mọi người xung quanh chưa, mình có đủ dũng cảm để hành động hay trốn chạy, mình có những tổn thương mà mình cứ bám víu mãi hay đủ vị tha cho bản thân và người khác, mình đã cống hiến, mình đã thất bại hay thành công, mình đã cố gắng hay từ bỏ, v.v?

Hành trình khám phá bản thân sẽ là hành trình để hoàn thiện bản thân nhỉ? 

#ChaiyoThuong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây