Thử thách Dọn dẹp cùng chị Nga Mạc

0
853
Chuỗi thử thách DỌN DẸP khá hay nên Thương muốn chia sẻ cùng các bạn. Mình cũng sẽ thực hiện theo và update kết quả cho các bạn theo dõi. Hãy follow blog của Thương để cùng học một điều mới mỗi tuần bạn nhé.
THỬ THÁCH #1 – NỘI SOI TỦ LẠNH

Chào mừng bạn đến với thử thách đầu tiên trong series Tủ lạnh ơi, mở ra!. Hôm nay bạn sẽ vào vai một bác sĩ nội soi kiêm điều tra viên. Chiếc tủ lạnh nhà bạn đang được coi là “kẻ tình nghi” với những nghi vấn chứa chấp 2 tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm:

Tội phạm số 1: các chất đang biến đổi, thậm chí là men mốc, vi khuẩn đang chờ thời cơ khi các thành viên sơ sẩy, chủ quan là lập tức xâm nhập vào cơ thể

Tội phạm số 2: là một dạng như mọt gỗ đang âm thầm ăn mòn, đục thủng hầu bao gia đình

Việc quan trọng và cấp thiết cần làm NGAY BÂY GIỜ là:
1. Chụp lại hiện trạng trước khi thực hiện nội soi – dọn dẹp: bạn hãy chụp 1 bức ảnh toàn cảnh tất cả các cánh tủ mở, sau đó mới chụp kỹ từng khu vực bên trong.
 Bước 1: Chụp 1 bức ảnh tổng thể toàn bộ không gian cần dọn dẹp với các cánh tủ, ngăn tủ mở. Nếu tủ lạnh nhà bạn có 4 cánh, hãy mở hết toàn bộ các cánh tủ để lộ ra ngăn mát và ngăn đá. Các ngăn kéo cũng nên được kéo ra để nhìn thấy các thực phẩm bên trong (H1).
 Bước 2: Chụp chi tiết vào các khoang, ngăn, cánh tủ. Bước này là để bạn và Nga, Hằng nắm được đồ đạc trong tủ đang có những gì và được sắp xếp như thế nào (H2, 3, 4).
 Bước 3: Chụp ảnh toàn bộ các thực phẩm khi đã được lấy ra khỏi tủ lạnh và tập kết, phân loại trên sàn nhà (H5).
 Sau khi dọn xong, bạn tiến hành chụp ảnh after theo hướng dẫn tại bước 1 và 2 nhé.
 Đặc biệt lưu ý:
– Không cần sắp xếp lại trước khi chụp ảnh before vì điều này hoàn toàn vô nghĩa.
– Không cần sợ bị chê, xấu hổ vì 95% thành viên của nhóm vô đây là để tìm thuốc chữa bừa bộn.
– Khi nào dọn và chọn lọc, sắp xếp mới chụp. Không phải lôi ra chụp xong lại cho vào y chỗ cũ chờ hướng dẫn mới sắp xếp.
Cuối cùng, bạn hãy sắp xếp thời gian để dọn dẹp và hoàn thành thử thách tuần 1 nhé!
2. Nội soi kỹ lưỡng toàn bộ thực phẩm bên trong:
B1: Đưa toàn bộ thực phẩm ra ngoài tủ lạnh
B2: Loại bỏ những tên tội phạm thực phẩm nguy hiểm, bao gồm:
– TP Hết hạn
– TP không phù hợp:
+ Không hợp khẩu vị, ăn không ngon: quá cứng, nấu lên không ăn nổi
+ TP ảnh hưởng đến sức khỏe: TP gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa, gia vị, đồ ngâm để quá lâu
+ Không muốn chế biến nữa: đã từng ăn 1 lần nhưng không muốn nấu lại nữa do vị không ngon hoặc cách chế biến quá cầu kỳ
3. Phân loại các TP còn lại vào các nhóm, đánh giá và liệt kê vào danh sách theo dõi TP tồn: (file excel được gửi qua email cho các bạn đã đăng ký)
4. Vệ sinh tủ lạnh và sắp xếp thực phẩm vào tủ lạnh theo quy hoạch mới.
Thiết kế tủ lạnh đã hướng dẫn cho hầu hết cách sắp xếp thực phẩm, tuy nhiên để tối ưu nhu cầu sử dụng và đảm bảo chất lượng thực phẩm thì sau khi phân loại và chọn lọc cần tách bạch các hạng mục như sau:
1, Ngăn mát tủ lạnh
– Tách đồ sống và đồ chín:
Đồ sống trong ngăn mát tủ lạnh thường là thực phẩm chờ rã đông hoặc đã ướp sẵn chuẩn bị nấu. Vì chưa được nấu chín nên rất dễ gây nhiễm khuẩn chéo cho các thực phẩm khác. Vì thế nhóm này cần được tách riêng 1 ngăn, thường đó là ngăn đông mềm.
Còn thực phẩm đã nấu chín sẽ được quy định một ngăn riêng và làm sao để nấu đến đâu ăn hết đến đó, luôn trống tối đa, tạo độ thoáng cho tủ. Không ít nhà sẽ cho cả nồi vào trong tủ để hôm sau đun lại, đỡ mất công phải rửa nhiều hộp đựng, vì thế mặc dù thường xuyên trống nhưng đây sẽ là ngăn cần ưu tiên cao rộng nhất so với các ngăn còn lại.
– Tách đồ uống và gia vị
Đây là 2 nhóm đồ na ná nhau về hình dáng (chai lọ) và thỉnh thoảng chuyển đổi mục đích (dùng rượu, bia để nấu ăn) nên rất dễ xen kẽ lẫn nhau đặc biệt là những chai gia vị lớn như dầu hào, sốt mayonnaise.
Tuy nhiên vì mục đích sử dụng khác nhau, địa điểm thao tác khác nhau (Đồ uống trên bàn ăn, còn gia vị trong bếp) nên 2 nhóm này cần tách riêng để kiểm soát nhu cầu sử dụng. Với gia vị sẽ cần 1 khay nhỏ để lưu trữ những gia vị dạng gói để chúng đứng được dễ thao tác sử dụng và không vị tràn nguyên liệu ra ngoài tủ lạnh khi dùng dở.
– Tách Rau củ và hoa quả
Trong quá trình lưu trữ, các loại hoa quả, rau củ sẽ cần khô ráo, hạn chế rửa nước (chỉ sơ chế khi chuẩn bị nấu, ăn trong thời gian gần nhất) nên dễ lẫn tạp chất như bùn đất, bụi bẩn. Hơn nữa rau củ được nấu chín còn hoa quả ăn trực tiếp (có loại ăn nguyên vỏ). Vì thế nên nếu để chung dễ lây nhiễm chéo, gây hại cho sức khỏe. Vì thế khi lưu trữ hai loại thực phẩm này cần lưu trữ ở 2 ngăn khác nhau, vừa tránh dập nát, vừa dễ dàng thao tác.
– Tách Đồ ăn vặt và TPCN, mỹ phẩm
Dù đồ ăn vặt như bánh kẹo và thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đều được đóng gói kín nhưng do hương vị và thời điểm, tính chất sử dụng khác nhau nên hai nhóm này cần được tách riêng. Mặt khác nó cũng tránh gây nhầm lẫn cho các thành viên trong gia đình khi không rõ công dụng của từng loại. Ví dụ 1 lọ thuốc xương khớp có mầu sắc, hình đáng na ná lọ kẹo cao su Xylitol khiến trẻ em dễ nhầm.
2, Ngăn đông lạnh
– Tách hải sản và thịt, gia cầm
Dù đều là thực phẩm tươi sống và phải nấu chín mới có thể sử dụng nhưng do mùi vị đặc trưng khác nên cần tách riêng các ngăn để tránh ám mùi, làm mất đi độ ngon của thực phẩm. Hơn nữa do thực phẩm đông để trong túi, hộp nên khó phân biệt để tìm kiếm nguyên liệu khi nấu.
Việc tách riêng ngăn cũng giúp bạn cân bằng việc sử dụng chất đạm, hiểu rõ món ăn yêu thích của các thành viên để cấu trúc thực phẩm cho phù hợp.
– Tách thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn
Vì đều là thực phẩm phải qua nấu nướng nên thực phẩm tươi sống (thịt cá) và thực phẩm chế biến sẵn (chả nem, pizza, sủi cảo) thường để chung 1 ngăn. Tuy nhiên thực phẩm tươi sống phải thêm các gia vị, rau củ khác để thành món, còn thực phẩm chế biến sẵn chỉ cần 1 bước đơn giản là rán, nướng, hấp là xong.
Do đó, nếu để chung sẽ khiến bạn khó khăn để lên ý tưởng bữa ăn, trong đầu nghĩ một món nhưng đến khi lấy đồ trong tủ lạnh lại ra một món khác. Từng quyết định nhỏ khiến bạn hao tổn năng lượng thì sẽ dẫn đến lan man tốn thời gian cho việc nhà.
– Đồ ăn vặt và đồ khô, gia vị
Trong ngăn đông lạnh đồ khô, gia vị hoặc đồ ăn vặt thường ít, chúng lại không dễ bị nhiễm khuẩn như thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên gia vị trong ngăn đá thường có tần suất sử dụng ít và tích trữ lâu dài nên nếu không khoanh vùng khu vực lưu trữ thì sẽ chiếm hết diện tích của những thực phẩm khác.
Áp dụng quy tắc bóc tách hạng mục thực phẩm như trên thì bạn có thể sắp xếp tủ lạnh thành các khu vực riêng biệt, sử dụng tối ưu các ngăn lưu trữ trong tủ lạnh. Cụ thể từ trên xuống dưới sẽ bao gồm các danh mục:
1, Ngăn mát tủ lạnh
– Thực phẩm chờ nấu: thức ăn ướp, mới đi chợ, chuyển xuống từ ngăn đông lạnh để chuẩn bị nấu
– Đồ ăn vặt: Sữa chua, phô mai, váng sữa, bánh ngọt, sữa uống … là bữa phụ hỗ trợ cho bữa chính (sau hoặc trước)
– Thức ăn dư: Món ăn từ ngày hôm trước, rau, củ, hoa quả sơ chế sẵn…
– Hoa quả: mua về để tủ chưa qua sơ chế
– Rau củ: mua về để tủ, chưa qua sơ chế
2, Cánh ngăn mát tủ lạnh
– Thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm thường để ngăn không ưu tiên, khó lấy hơn các nhóm khác vì đây chỉ là nơi lưu trữ phụ.
– Đồ ăn vặt: bánh quy, kẹo socola, ômai .. là những món nhỏ, ăn rải rác.
– Gia vị: Bao gồm các loại sốt hoặc gia vị chấm chế biến sẵn
– Nước uống: bia, rượu, nước ngọt, nước ngâm hoa quả ..
3, Ngăn đá tủ lạnh
– Ăn vặt: Khay đá, kem, sữa chua ..
– Thực phẩm chế biến sẵn: nấu nhanh gọn nhẹ
– Thực phẩm tươi sống: thịt, gia cầm, hải sản
4, Cánh ngăn đá tủ lạnh:
– Gia vị khô: nấm, mộc nhĩ, hạt tiêu …
– Gia vị tươi: sấu, ớt, gừng, tỏi …
Lưu ý nếu bạn lưu trữ thức ăn cho thú cưng nhớ chia riêng 1 khu vực lưu trữ. Ngoài ra tùy theo nhu cầu sử dụng của các thành viên trong gia đình mà phân chia khu vực, ví dụ nhà có con nhỏ hay người nấu chính có chiều cao khiêm tốn thì sẽ điều chỉnh các ngăn phù hợp.
Tùy theo cấu trúc từng tủ lạnh mà linh hoạt cách sắp xếp đảm bảo thực phẩm tươi ngon sạch sẽ, dễ dàng thao tác sử dụng và nấu nướng. Dưới đây Nga gợi ý cách sắp xếp một vài mẫu tủ lạnh cơ bản, nếu chưa biết cách sắp xếp cho tủ lạnh nhà mình hãy tag Nga Mạc trong bài viết của thử thách nhé!
Chúc bạn hoàn thành thử thách ngăn nắp tủ lạnh một cách xuất sắc nha!
Nếu bạn muốn chia sẻ bài viết, vui lòng ghi rõ nguồn là Cộng đồng ngăn nắp cùng tư vấn KonMari và Nga Mạc nhé
5. Chụp ảnh tủ lạnh sau khi sắp xếp xong.

THỬ THÁCH #2 – TỐI ƯU THỰC PHẨM, TỐI GIẢN CHI PHÍ

Tuần này, bạn được xả vai bác sĩ nội soi và nhận được vé mời tham gia cuộc thi Vua đầu bếp – Master Chef 
Trong cuộc thi này, bạn sẽ cần lên thực đơn cho tối thiểu 5 ngày trong tuần tới. Trong đó, thực đơn mỗi ngày gồm:
– 1 bữa chính có 1 món chính và 1 món rau
– 1 bữa ăn nhẹ
 Lưu ý:
– Sử dụng tối đa thực phẩm tồn bạn có (gồm cả TP trong tủ lạnh và ở khu vực bếp)
– Được phép đi chợ mua thêm nguyên liệu nhưng với chi tiêu ít nhất có thể
– Các bữa ăn phải đảm bảo được tiêu chí:
+ Đầy đủ dinh dưỡng (tinh bột + đạm + rau của + đồ khô + gia vị + hoa quả)
Tuân thủ đúng mức kinh phí đi chợ và thực đơn 5 ngày bạn đã đặt ra (bạn đọc tiếp sẽ có hướng dẫn phía dưới)
 Sau khi đã lên thực đơn, hằng ngày bạn hãy:
1. Chụp Bảng thực đơn 5 ngày bạn đã lên (Team sẽ bổ sung mẫu thực đơn vào file excel khi bạn hoàn thành thử thách 1 đúng hạn).
Sau đó, theo dõi và ghi lại thời gian đi chợ và nấu ăn thực tế mỗi ngày (Hãy trung thực vì thử thách này là của bạn, Nga chỉ hướng dẫn để bạn hình dung ra cách tổ chức bữa ăn là như thế nào).
Lưu ý: Đi chợ tối đa 30 phút, nấu cơm tối đa 1 tiếng tập trung, không làm rải rác trong ngày nếu bạn làm việc tại nhà.
CÁCH LÊN THỰC ĐƠN CHO CẢ TUẦN MÀ KHÔNG BỊ BÍ Ý TƯỞNG, ĂN NGON MÀ NẤU CHỈ 30 PHÚT
Để có thể lên thực đơn cho cả tuần dễ dàng thì thực đơn cần đơn giản. Bữa chính chỉ cần 2 món, 1 món thưởng thức (chính- hơi cầu kỳ 1 chút) và 1 món đưa cơm (hoặc món phụ – nấu đơn giản). Hạn chế tối đa nấu 3 món cầu kỳ như nhau: ví dụ canh cua rau đay, sườn xào chua ngọt, cá kho riềng sả.
Trong thực đơn sẽ cần đầy đủ và cân đối cho tinh bột, đạm, rau dù chỉ với chỉ nấu 2 món/bữa. Cấu trúc 2 món đó sẽ là:
– luộc (phụ) và xào (chính)
– Luộc (phụ) và kho (chính)
– Xào (phụ) và canh ít (không) dầu mỡ (chính) hoặc ngược lại
– Canh có dầu mỡ (chính) + rau củ ăn sống và kho (phụ)
Món mặn nên đơn giản có thể là: ruốc thịt cá, mắm tép, vừng, rong biển, cá, thịt kho (nếu kho tươi thì chỉ tính ăn 2 bữa). Món kho cầu kỳ nên để dành cuối tuần, nhưng món đóng gói chế biến sẵn (nem, chả) nên ưu tiên trong tuần để nấu nhanh.
Thỉnh thoảng thực đơn sẽ có đến 3 món, nhưng thường đó là khi giải quyết phần tồn đọng bữa trước.
Ví dụ: rau luộc + gỏi/ nem + 1 ít kho (ăn bữa nay sẽ hết)
Dựa vào các quy tắc này thì bạn sẽ lên thực đơn theo các bước
1, Kiểm tra thực phẩm chính (Ngăn đá)
Ở bước này bạn hãy mở ngăn đá tủ lạnh hoặc mở file theo dõi thực phẩm để nhìn lại mình đang có thực phẩm chính hiện có những gì? . Thực phẩm chính là thực phẩm tươi sống (thịt cá, gà), thực phẩm chế biến sẵn (nem, giò).
2, Kiểm tra thực phẩm phụ (ngăn mát)
Tiếp theo, bạn kiểm tra ngăn mát xem bạn hiện đang có nhưng rau củ gì? Rau nào cần phải ăn trước không thì sẽ xử lý trước.
Sau khi rà soát 2 khu vực này thì bắt đầu nảy số thực đơn, nếu bạn đã có file thống kê thực phẩm trong thử thách rồi thì ngồi trên cơ quan bạn cũng có thể xây dựng thực đơn cho cả tuần được. (File đó có thực phẩm và thực đơn cạnh nhau để bạn dễ lên ý tưởng)
3, Lên thực đơn
Đặt thực phẩm chính làm trung tâm và bạn xem có những thực phẩm phụ nào đi kèm để tạo ra được món. Ví dụ thịt kho trứng cút thì bạn có thịt và trứng ngay tại nhà thì sẽ nấu chúng luôn.
Nếu thực phẩm phụ nhanh rơi vào tình trạng khẩn cấp thì ưu tiên giải quyết trước. Ví dụ rau mùng tơi đã để tủ 2 ngày, sang ngày thứ 4 sẽ bắt đầu úa nên sẽ ăn trước. Trong tủ có sẵn ngao chia hộp cấp đông rồi nên canh ngao nấu mùng tơi sẽ là món đầu tuần ăn luôn.
4, Giải quyết tồn đọng
Rau sẽ là thứ thường xuyên cần tươi mới nên hãy giữ nó ít nhất có thể. Khi có ít rau bạn sẽ dễ dàng lên thực đơn hơn vì chỉ cần tập trung vào thực phẩm chính (đạm)
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng mình ăn rau là chính thì nên lấy rau làm trọng tâm. Đúng là rau sẽ tiêu thụ 1 lượng lớn hơn thực phẩm, đặc biệt nếu bạn đang trong thực đơn healthy. Nhưng nếu bạn lấy thực phẩm chính làm trọng tâm thì bạn sẽ nghĩ ra được nhiều món.
Ví dụ cùng là thịt lợn ba chỉ thì có thể nấu ba chỉ kho trứng, ba chỉ quay, ba chỉ cuốn bánh tráng. Từ đó bạn có thể chọn thêm món phụ với ba chỉ kho trứng là canh cua rau đay, ba chỉ quay là rau muống luộc và dưa chua, ba chỉ cuốn bánh tráng là sau sống.
Nếu bạn ăn nhiều rau thì tăng lượng rau lên, cách này vừa dễ cho bạn khi lên thực đơn, vừa phù hợp với nhiều thành viên gia đình.
Tương tự như vậy nếu đi chợ hàng ngày bạn cũng sẽ lựa chọn mua món ăn chính trước (mua thực phẩm chính trươc) , sau đó mới quyết định món ăn phụ kèm theo.
Luyện tập dần dần bạn sẽ thấy việc di chợ và nấu nướng khá đơn giản và hoa f toàn có thể đưa các thành viên vào guồng công việc nhà hàng ngày.
Có thể là hình ảnh về cá cơm biển, đậu phụ và tía tô
2. Thực hiện đúng thực đơn và mức kinh phí đi chợ đã đặt ra.
3. Ghi chép các khoản chi tiêu mua thực phẩm hàng ngày đầy đủ, chi tiết vào sheet theo dõi chi tiêu (Team sẽ bổ sung mẫu thực đơn vào file excel khi bạn hoàn thành thử thách 1 đúng hạn).
4. Gạch các TP đã sử dụng (bằng cách chọn biểu tượng chữ S gạch ngang – hướng dẫn trong ảnh dưới comment).
Nếu đã dùng nhưng chưa hết thì ghi rõ đã dùng bao nhiêu và số lượng tồn.
Bổ sung thêm các thực phẩm bạn đã mua mới bằng cách chèn dòng và ghi xuống dưới.
Lưu ý: Không xóa, TP nào dùng hết chỉ gạch đi để theo dõi được nhu cầu và tiến trình.
5.Chụp lại các nguyên liệu của từng bữa trước khi nấu trong cùng 1 bức ảnh 
Lưu ý: Chỉ cần chụp nhanh, không cần chỉnh ảnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây